Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Ý nghĩa số hạt vòng tay


Khi quyết định mua cho mình một chiếc vòng tay phong thủy, nhiều người vẫn thắc mắc về vấn đề số lượng hạt vòng, vậy số lượng hạt vòng tay phong thủy có ý nghĩa gì, có đúng là số lượng hạt quyết định đến công dụng phong thủy của vòng tay…???

Thực ra, số hạt trên vòng tay biểu hiện hàm ý rất thâm sâu, dựa vào các kinh điển, tổng cộng có tất cả 9 loại. Những hàm nghĩa này được kết hợp giữa số lượng hạt niệm châu với danh hiệu trong kinh điển. Bao gồm loại 1080 hạt, 108 hạt, 54 hạt, 42 hạt, 36 hạt, 27 hạt, 21 hạt, 18 hạt, 14 hạt và có một loại dành cho người thường là loại không có số hạt nhất định, lấy kích thước cổ tay để xác định số hạt.

Dưới đây căn cứ vào thuyết pháp phổ biến trong truyền thống, lược thuật hàm nghĩa khác nhau như sau:
1.080 HẠT : 1.080 hạt biểu thị cho thập giới, mỗi giới có 108 phiền não, hợp thành 1.080 phiền não. Thập giới biểu thị cho 10 thế giới mê và ngộ, có thể phân thành 10 loại như sau: (1) Cõi địa ngục, (2) cõi quỷ đói, (3) cõi súc sinh, (4) cõi Atula, (5) cõi người, (6) cõi trời, (7) cõi Thanh Văn, (8) cõi Duyên Giác, (9) cõi Bồ Tát, (10) cõi Phật.

108 HẠT : Chuỗi niệm châu có 108 hạt là loại thường thấy nhất, biểu thị cho sự cầu chứng 108 Tam muội, đoạn trừ 108 phiền não, từ đó khiến cho thân tâm đạt đến trạng thái tịch tĩnh.
Nội dung của 108 phiền não có rất nhiều thuyết pháp khác nhau. 108 hạt tượng trưng cho 18 giới (lục trần, lục căn, lục thức), đem số 18 này nhân với 6 phiền não căn bản (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) thành 36, lại phối với Tam thế quá khứ, hiện tại, tương lai, hợp thành 108 phiền não, giống như trong kinh nói.

54 HẠT:  54 hạt biểu thị cho 54 giai vị trong quá trình tu hành của Bồ Tát. Trong đó bao gồm: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa,  lại cộng thêm tứ thiện căn vị, liệt kê như sau:
Thập tín: (1) Tín tâm, (2) niệm tâm, (3) tinh tiến tâm, (4) tuệ tâm, (5) định tâm, (6) bất thoái tâm, (7) hộ pháp tâm, (8) hồi hướng tâm, (9) giới tâm, (10) nguyện tâm.
Thập trụ: (1) Sơ phát tâm trụ, (2) trì địa trụ, (3) tu hạnh trụ, (4) sinh quý trụ, (5) phương tiện cụ túc trụ, (6) chính tâm trụ, (7) bất thoái trụ, (8) đồng chân trụ, (9) vương tử trụ, (10) quán đỉnh trụ.
Thập hạnh: (1) Hoan hỷ hạnh, (2) nhiêu ích hạnh, (3) vô sân hận, (4) vô tận hạnh, (5) ly si loạn hạnh, (6) thiện hiện hạnh, (7) vô trước hạnh, (8) tôn trọng hạnh, (9) thiện pháp hạnh, (10) chân thực hạnh.
Thập hồi hướng: (1) Cứu hộ nhất thiết chúng sinh ly chúng sinh tướng hồi hướng, (2) bất hoại hồi hướng, (3) đẳng nhất thiết Phật hồi hướng, (4) chí nhất thiết xứ hồi hướng, (5) vô tận công đức tạng hồi hướng, (6) tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng, (7) tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sinh hồi hướng, (8) chân như tướng hồi hướng, (9) vô phược vô trước giải thoát hồi hướng, (10) pháp giới vô lượng hồi hướng.
Thập địa: (1) Hoan hỷ địa, (2) ly cấu địa, (3) phát quang địa, (4) diệm tuệ địa, (5) nan thắng địa, (6) hiện tiền địa, (7) viễn hành địa, (8) bất động địa, (9) thiện tuệ địa, (10) pháp vân địa.
Tứ thiện căn: Chỉ trước khi kiến đạo, quán Tứ đế và tu hành 16 hạnh tướng để đạt đến 4 giai vị tu hành vô lậu thánh vị, bao gồm: (1) Noãn vị, (2) định vị, (3) nhẫn vị, (4) thế đệ nhất vị.

42 HẠT: 42 hạt biểu thị cho 42 giai vị trong quá trình tu hành của Bồ Tát, bao gồm Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác và Diệu giác. Những giai vị đã trình bày ở trên, dưới đây không nhắc lại.
Đẳng giác: còn gọi là Đẳng chính giác, chỉ về mặt nội dung và Phật tướng, trên thực tế người tu hành còn kém một chút so với Phật. Nếu như muốn hiểu rõ, xin tham khảo Nhân vương Bát nhã Ba la mật kinh – Thụ trì phẩm do Cưu Ma La Thập (Diêu Tần) dịch.
Diệu giác: Chỉ phật quả cứu cánh giác hạnh viên mãn, Bồ Tát ở giai vị Đẳng giác đoạn trừ vô minh đắc được giai vị này.

36 HẠT: 36 hạt không có hàm nghĩa chính xác, thông thường để tiện cho việc mang theo bên mình, chia 108 hạt thành 3 chuỗi, mỗi chuỗi 36 hạt. Trong đó, hàm chứa nghĩa lý lấy tiểu thấy đại, cho nên nó tương đồng với 108 hạt.

27 HẠT: 27 hạt biểu thị cho 27 hiền vị của Tiểu thừa tu hành 4 hướng, 4 quả, tức là 18 vị hữu học của 4 hướng, 3 quả trước và 9 vị vô học của quả A La Hán. Giống như trong Trung a hàm – Đại phẩm phúc điền kinh viết:
Thế Tôn nói rằng: “Cư sĩ! Trên đời phàm có 2 hạng phúc điền nhân, 2 hạng đó là 2 hạng nào? Một là Học nhân, hai là Vô học nhân. Học nhân có 18 vị, Vô học nhân có 9 vị”
“Cư sĩ! Thế nào là 18 vị Học nhân?”. Tín hạnh, Pháp hạnh, Tín giải thoát, Kiến đáo, Thân chứng, Gia gia, Nhất chủng, Hướng tu đà hoàn, Đắc tu đà hoàn, Hướng tư đà hàm, Đắc tư đà hàm, Hướng A na hàm, Đắc A na hàm, Trung ban Niết bàn, Sinh ban Niết bàn, Hành ban Niết bàn,  Vô hành ban Niết bàn, Thượng lưu sắc cứu cánh là 18 học vị Học nhân.
“Cư sĩ! thế nào là 9 vị Vô học nhân?”. Tư pháp, Thăng tiến pháp, Bất động pháp, Thoái pháp, Bất thoát pháp, Hộ pháp hộ tắc bất thoái bất hộ tắc thoái, Thực trụ pháp, Tuệ giải thoát, Câu giải thoát là 9 vị Vô học nhân.
Trong kinh đem giai vị tu hành của đệ tử Phật từ Hữu học đến Vô học cộng lại thành 27 loại. Bởi vì, họ đều có thể nghe Phật pháp, cho nên gọi là người có “phúc”. Loại Hữu học, chỉ những người đoạn tuyệt tất thảy phiền não, tu học giới, định, tuệ vô lậu và Niết bàn. Cũng tức là đệ tử Phật mặc dù có thể tri kiến Phật pháp, nhưng còn có phiền não chưa đoạn, cần có phương pháp tu hành học tập giới, định, tuệ để đoạn trừ tất thảy phiền não, chứng đắc lậu tận, bởi vì họ còn có cách có thể tu học, cho nên gọi là Hữu học. Trong 4 hướng, 4 quả của tiểu thừa, bậc thánh 4 hướng 3 quả trước là Hữu học, chỉ có bậc thánh chứng đắc quả A La Hán, bởi vì học không có cách nào có thể học, cho nên gọi là vô học.

21 HẠT: 21 hạt biểu thị cho 21 giai vị, bao gồm: Thập địa, Thập ba la mật và quả Phật. Thập địa đã được giới thiệu ở mục 54 hạt, ở đây không nhắc lại. “quả Phật” chỉ đạt đến quả vị thành Phật cứu cánh nhất.

18 HẠT: Tục gọi là “thập bát tử”. Trong đó, “Thập bát” chỉ “Thập bát giới”, tức lục căn, lục trần, lục thức.
Lục căn: (1) nhãn, (2) nhĩ, (3) tỵ, (4) thiệt, (5) thân, (6) ý.
Lục trần: (1) sắc trần, (2) thanh trần, (3) hương trần, (4) vị trần, (5) xúc trần, (6) pháp trần.
Lục thức: (1) nhãn thức, (2) nhĩ thức, (3) tỵ thức, (4) thiệt thức, (5) thân thức, (6) ý thức.

14 HẠT: 14 hạt biểu thị Bồ Tát Quán Âm cùng với tất thảy chúng sinh trong thập phương, Tam thế, 6 cõi đồng nhất bi ngưỡng, khiến cho chúng sinh đạt được 14 công đức vô úy.
1. Khiến cho chúng sinh phản chiếu tự tính, đạt được giải thoát là vô úy.
2. Khiến cho chúng sinh xoay chuyển tri kiến, nếu như gặp hỏa hoạn, lửa không thể thiêu cháy là vô úy.
3. Khiến cho chúng sinh xoay chuyển quán thính, tuy bị nước lớn cuốn đi, nhưng nước không thể nhấn chìm là vô úy.
4. Khiến cho chúng sinh lục căn tiêu trừ, khi bị hại, cắt đứt những điều xấu, đó là vô úy.
5. Bồ tát chiếu sáng thập phương, khiến cho chúng sinh không bị dạ xoa, những điều đen tối làm hại, đó là vô úy.
6. Khiến cho chúng sinh nhập La sát quỷ quốc, quỷ tự tiêu diệt điều ác, đó là vô úy.
7. Khiến cho chúng sinh không bị hư vọng thanh trần trói buộc, đó là vô úy.
8. Khiến cho chúng sinh đi trên con đường nguy hiểm giống như đi trên con đường bằng phẳng, gặp giặc mà không bị cướp, đó là vô úy.
9. Khiến cho những người có tính đa dâm, không sinh sắc niệm, đó là vô úy.
10. Khiến cho những người hay oán hận, tức giận không sinh sân huệ, đó là vô úy.
11. Khiến cho tất thảy những người không có thiện tâm, tránh xa si ám, đó là vô úy.
12. Khiến cho chúng sinh không có con, người muốn cầu con trai, khiến cho họ sinh được con trai, đó là vô úy.
13. Khiến cho chúng sịnh không có con, người muốn cầu con gái liền sinh được con gái, đó là vô úy.
14. Khiến cho chúng sinh niệm trì danh hiệu Quán Âm được phúc đức nhiều như hằng hà sa số.

Nói tiếp đến loại vòng tay không có số hạt nhất định, trong sách nhà Phật có đoạn viết về người thích đeo loại vòng hạt này trên tay, rằng:
“Nếu như có người tay cầm chuỗi hạt này, không thể theo lệ niệm tụng danh hiệu Phật và Đà la ni, nhưng có thể cầm tay hoặc mang bên mình lúc đi, đứng, nằm, ngồi. Những lời được nói ra lúc thiện lúc ác, người này nếu như cầm chuỗi hạt trên tay, sẽ đắc công đức, nếu như niệm chư Phật, tụng chú, được phúc vô lượng”.

Vì vậy có thể nhận định rằng, những người thích đeo vòng tay phong thủy được cho là có “thiện căn”, có nhân duyên lớn với Phật từ vô thủy kiếp đến nay. Thường khi đi chùa, người dân thắp hương vẫn thường được nhà chùa tặng (hoặc bán để lấy tiền làm công đức) cho những chiếc vòng tay để lấy may, chính xuất phát từ câu truyện này. Qua đây chúng ta cũng thấy, dưới quan niệm của nhà Phật, vòng tay phong thủy thực ra không quy định số hạt.
(Sưu tầm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Đội ngũ hỗ trợ của chúng tôi